Ngài Ajahn Chah là một thiền sư đắc đạo lỗi lạc đương
đại của Thái Lan. Dưới đây là tập hợp những bài pháp về cách dụng tâm trong đời sống
sinh hoạt hằng ngày, cũng như trong thiền minh sát. Hy vọng với những kinh nghiệm
giản dị mà quý giá này của ngài sẽ đem lại lợi lạc trong tiến trình học pháp và
hành thiền của bạn. Và tôi chắc rằng cho dù bạn đã nghiên cứu rất nhiều về thiền
học đi nữa nhưng sau khi nghe những thời pháp này của ngài, bạn sẽ thay đổi cái
nhìn về nhân sinh quan và thế giới quan, bạn hãy
nghe và thực hành...
Ajahn Chah không dạy kinh điển,
cũng không diễn giải kinh điển cho các Phật tử xuất gia, tại gia, hay
bất kỳ người nào muốn tìm hiểu Phật giáo và đi theo nó. Những
người đã đến bến bờ, họ vứt con thuyền đi, thay vì đội nó lên đầu.
Thầy Chah cũng vậy. Thầy đã vứt kinh điển. Thầy làm đúng theo lời
Đức Phật dạy: khi đã đạt thành quả, phải vứt cả Đạo Phật đi.
Từ cuộc đời tu thiền của mình, Chah đã
gói Phật giáo lại thành những điều vô cùng giản dị: Giới, Định,
Huệ, Duyên Khởi, Tứ diệu đế, Phật Pháp – chỉ có như vậy. Không phải
Chah bảo ta đừng đọc kinh điển, ông bảo ta tập trung thực hành – phải
làm mới hiểu được. Điều này cũng giống như bạn cứ đọc mãi về quả
xoài, nghiên cứu nó mãi, nhưng bạn vẫn không biết nó, vì bạn không ăn
nó bao giờ nên không thể hiểu vị chua, ngọt của xoài. Một khi bạn đã
ăn nó, bạn sẽ không còn bận tâm với cái mớ lý thuyết về quả xoài
nữa!
Đạo Phật là đạo giải thoát. Muốn giải
thoát khỏi khổ, bạn phải nhận diện được nó, biết nguyên nhân của nó
và rồi biết cách tháo gỡ nó. Chah dùng hình ảnh con người vì không
biết nỗi khổ của mình, họ ôm nỗi khổ, vác nỗi khổ như vác cả tảng
đá đè lên người. Vậy mà họ vẫn vác, họ còn vác đến chừng nào họ
chưa nhận ra rằng đó là tảng đá đang đè lên mình. Tảng đá đó, theo
Chah, là sự vướng mắc vào đủ mọi thứ của con người. Đó là đủ các
cảm xúc, quan niệm, ham muốn…đang thống trị chúng ta hàng ngày mà
chúng ta thường không nhận ra bản chất của chúng. Chúng ta để cho tâm
mình bám chặt những thứ đó, đồng hóa mình với chúng, mà không biết
rằng chúng vô thường và không có tự ngã.
Duyên khởi, vô thường, sinh diệt – đó là
tự nhiên. Thân tồn tại theo quy luật của tự nhiên. Hãy để cho xúc cảm
của chúng ta vận hành quy luật của tự nhiên, chúng đến rồi chúng đi
như những vị khách, còn “ông chủ” tâm vẫn phải ở lại. Hay nói khác
đi, phải học buông xả.
Hãy nhìn một mẩu gỗ vứt xuống sông –
Chah nói, nó sẽ trôi ra biển nếu nó không vướng mắc vào những thứ ở
hai bên bờ. Tâm cũng vậy, hãy để nó đến với bình yên – vốn là bản
chất của nó - đừng vướng mắc vào ham muốn và cảm xúc.
Đọc “Suối nguồn tâm linh”, bạn còn được
Chah chia sẻ những hướng dẫn và kinh nghiệm tuyệt vời về thiền nếu
bạn thật sự muốn thực hành thiền để góp phần chuyển hóa tâm của
bạn. Nhưng, ngay cả tập thiền, bạn cũng đừng đặt ra mục đích, vì
còn mục đích là còn ham muốn. Hãy thiền chỉ để mà thiền.
Khi có bình yên bên trong, bình yên bên
ngoài sẽ có.
Theo http://www.sachhay.org
SUỐI NGUỒN TÂM LINH
Nguyên tác Ajahn
Chah. Việt dịch: Minh Vi. Diễn đọc: Huy Hồ, Thy Mai, Kiều Hạnh