Một
bạn trẻ người Nhật từng du học ở Việt Nam vừa có bài viết gửi giới trẻ Việt Nam
khiến dư luận xôn xao.
Nội
dung bài viết như sau:
Việt
Nam – nhà giàu và những đứa con chưa ngoan
Tôi
đang là một du học sinh Nhật, có hơn 4 năm sinh sống tại Việt Nam. Với ngần ấy
thời gian, tôi đã kịp hiểu một đạo lý giản đơn của người Việt: “Sự thật mất
lòng”. Song không vì thế mà tôi sẽ ngoảnh ngơ trước những điều chưa hay, chưa đẹp
ở đây. Hy vọng những gì mình viết ra, không gì ngoài sự thật, như một ly cà phê
ngon tặng cho mảnh đất này, tuy đắng nhưng sẽ giúp người ta thoát khỏi cơn ngủ
gục - ngủ gật trước những giá trị ảo và vô tình để những giá trị thật bị mai một.
Tôi
có một nước Nhật để tự hào
Tôi
tự hào vì nơi tôi lớn lên, không có rừng vàng biển bạc. Song, “trong đêm tối nhất,
người ta mới thấy được, đâu là ngôi sao sáng nhất". Thế đấy, với một xứ sở
thua thiệt về mọi mặt, nghèo tài nguyên, hàng năm gánh chịu sự đe dọa của hàng
trăm trận động đất lớn nhỏ lại oằn mình gánh chịu vết thương chiến tranh nặng nề,
vươn lên là cách duy nhất để nhân dân Nhật tồn tại và cho cả thế giới biết “có
một nước Nhật như thế”.
Tôi
tự hào vì đất nước tôi không có bề dày văn hiến lâu đời nên chúng tôi sẵn sàng
học hỏi và tiếp nhận tinh hoa mà các dân tộc khác “chia sẻ”. Từ trong trứng nước,
mỗi đứa trẻ đã được học cách cúi chào trước người khác. Cái cúi chào ấy là đại
diện cho hệ tư tưởng của cả một dân tộc biết trọng thị, khiêm nhường nhưng tự
trọng cao ngời.
Tôi
tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất
sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang
tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên
nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên
giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ. Chỉ chưa đầy một năm sau
khi hàng loạt thành phố bị xóa sổ hoàn toàn, sự sống lại bắt đầu hồi sinh như
chưa từng có biến cố nào đã xảy ra. Thế đấy, không có những thành tích to lớn để
nói về nước Nhật nhưng thương hiệu “made in Japan”, là thương hiệu uy tín vượt
trên mọi khuôn khổ, tiêu chuẩn khắt khe, được toàn cầu tôn trọng nhất mà tôi từng
biết.
Bạn
cũng có một nước Việt để tự hào
Nói
Việt Nam là một “nhà giàu”, quả là không ngoa. Giàu tài nguyên, giàu truyền thống,
giàu văn hóa… Nhưng con cháu của nhà giàu, sẽ phải đối mặt với những vấn đề nan
giải của nhà giàu. Và không phải ai cũng biết cách sống có trách nhiệm trong sự
giàu có ấy.
Thật
đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng
vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn.
Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch
sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các nhà
máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối,
biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi
người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm
hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời
đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao
nên nỗi?
Thật
đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến
chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử
đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày.
Hãy
chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói: Người Việt không biết xếp hàng, xếp
hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học; người Việt không biết tự hào về người Việt,
nếu không thì Flappy Bird đã không phải chết yểu đau đớn; người Việt chửi hay
còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị; người
Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp nếu không phải thế thì họ đã
không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng
dám lên tiếng; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội
để mánh mun, lọc lừa.
Tôi
chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành
để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà
vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi… Vì đâu nên nỗi?
Người
Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn
thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi?
Tôi
đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn
không dám tin vào chính mình. Là một người Việt – khó lắm! Thật vậy sao?
Nguồn: http://m.news.ringring.vn/