Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

NHỮNG THÓI QUEN DỄ LÀM HẠI LAPTOP

Laptop có ưu điểm về tính di động nhưng cũng dễ hư hại hơn máy bàn nếu bạn không cẩn thận.
Kể từ khi ra đời, laptop đã đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy tính của rất nhiều người. Nhờ tính di động, chúng cho phép bạn dễ dàng mang đi khắp nơi, không bị giới hạn và bó buộc như máy tính để bàn. Tuy nhiên, đổi lại tính linh hoạt, di động đó, laptop cũng dễ hư hại hơn máy để bàn nếu như bạn không cẩn thận trong quá trình sử dụng. Có rất nhiều thói quen sai lầm dẫn đến hư hỏng máy tính mà bạn không nghĩ tới. Dưới đây là những sai lầm thông thường bạn nên tham khảo để phòng tránh tránh.
Để máy rung, lắc quá nhiều
Hiện nay phần lớn ổ cứng laptop vẫn là các loại ổ cứng HDD truyền thống. Đây là loại ổ cứng sử dụng đĩa từ dễ hỏng hóc nếu bị các va đập mạnh. Bởi thế, trừ khi laptop của bạn sử dụng ổ cứng thể rắn SSD, hãy cẩn thận và tránh tạo ra các va đập với laptop. Nếu không nguy cơ hỏng ổ cứng và từ đó làm mất mát dữ liệu lưu trữ trong đó là cực cao.

Không chú trọng tản nhiệt
Một điểm yếu nữa của một cỗ máy tính di động như laptop đó là chúng dễ dàng bị nóng trong quá trình sử dụng. Đây cũng là điều dễ hiểu khi mà chúng ta phải “nhồi nhét” rất nhiều linh kiện vào trong một bộ khung nhỏ gọn. Đồng thời, sau một thời gian sử dụng, một điều bạn không thể tránh khỏi đó là bụi bẩn từ bên ngoài sẽ bay bám vào bên trong các linh kiện. Các lớp bụi này sẽ che khuất phần không gian thoát nhiệt, càng làm cho máy bạn nóng hơn. Chúng cũng bám vào quạt tản nhiệt cho chip, GPU khiến các thành phần này nhanh chóng “bốc lửa”.

Để giúp laptop chạy mát, bạn cần vệ sinh bụi ở các khe, quạt tản nhiệt, tra dầu mới cho quạt nếu thấy có hiện tượng quạt phát ra tiếng kêu to. Nếu có điều kiện, bạn nên sắm thêm một chiếc đế tản nhiệt chuyên dụng cho laptop với giá từ 200 đến 300 ngàn đồng.
Hút thuốc, để đồ uống cạnh laptop
Khi hút thuốc lá cạnh laptop, khói thuốc sẽ bay và ám vào các linh kiện bên trong, tạo ra các lớp nhựa thuốc trên bề mặt các linh kiện và rõ ràng điều này gây hại cho các thành phần điện tử bên trong.

Với các loại đồ uống, bạn nên cẩn thận để xa chúng khỏi laptop bởi rất có thể sau một thời gian mải mê với công việc, bạn sẽ vô tình gạt tay làm đổ cốc nước vào bàn phím. Không chỉ làm hỏng hóc linh kiện bên trong và tốn tiền sửa chữa, bạn còn tự làm nhỡ công việc của mình vì một lý do không đáng có.
Để laptop lên đùi, vật mềm

Khi đặt laptop trên người, bạn đã vô tình làm giảm phần diện tích thoát nhiệt của máy khiến hệ thống nhanh bị nóng hơn, vừa gây cảm giác khó chịu khi sử dụng vừa làm giảm tuổi thọ các linh kiện bên trong. Việc để laptop trên các vật mềm như chăn đệm cũng gây hậu quả tương tự, máy nóng do khó thoát nhiệt. Giải pháp là bạn nên mua thêm một dạng bàn kê laptop, vừa giúp máy chạy mát, vừa tạo sự thoải mái trong quá trình dùng máy.
Dùng sạc kém chất lượng

Hẳn bạn đọc chưa quên những vụ tai nạn nghiêm trọng gần đây xảy ra với những người sử dụng sạc điện thoại kém chất lượng, như vụ thanh niên ở Đà Nẵng thiệt mạng, thiếu nữ ở Trung Quốc bị tử vong. Mặc dù những tai nạn như vậy với sạc laptop chưa xảy ra nhưng điều đó không có nghĩa là bạn được phép chủ quan.
Các loại sạc kém chất lượng có thể dẫn tới sốc điện, gây cháy nổ do sử dụng các loại vật liệu rẻ tiền không đảm bảo chất lượng. Vì thế, bạn không nên ham rẻ mua các loại sạc trôi nổi ngoài thị trường (thường được sản xuất ở Trung Quốc). Nên tìm mua ở các nhà phân phối sạc chính hãng hoặc tại các cửa hàng lớn có uy tín cao.
Để laptop trong xe hơi

Cho dù là vào mùa đông hay mùa hè, việc để laptop trong xe hơi là một sai lầm tai hại. Không chỉ laptop của bạn có nguy cơ trở thành mồi ngon cho bọn trộm cắp, mà khi trời quá nóng hoặc quá lạnh, các linh kiện của máy như màn hình, pin…có thể dễ dàng bị hư hại.
Theo các nghiên cứu, khoảng nhiệt độ (của môi trường ngoài, không phải nhiệt độ laptop) mà các linh kiện laptop được đảm bảo an toàn là từ 10 độ C đến 35 độ C. Trong khi đó, nhiệt độ bên trong xe hơi thường cao hơn mức này. Tuy nhiên, nếu có điều hòa nhiệt độ, thì bạn cứ thoải mái mà để trong xe hơi.
Theo Genk